Nhật Ký Du HọcDu học Trung Quốc

GIẤC MỘNG TRUNG HOA

Bén duyên với tiếng Trung

Rời khỏi ngôi trường cấp 3, tôi như một chú chim non rời tổ mẹ, ngơ ngác bước vào thế giới mới lạ rộng lớn khác. Nơi có con đường dài nối liền các trường đại học Quốc Gia, với từng đoàn sinh viên nườm nượp hối hả bước vào cổng trường, hòa mình vào giảng đường Nhân văn rộng lớn chứa hơn 200 sinh viên. Ở đó tôi đã bắt gặp những ánh mắt khao khát tri thức, những tư tưởng đồng điệu cùng chí hướng. Và những người bạn học tập vô cùng chăm chỉ.

Rồi đến một ngày, trong lúc ra chơi giữa giờ, tôi đang mông lung và đầy hoang mang trước các môn học đại cương nhàm chán thì Thắm (người bạn đầu tiên ở Đại học) bước lại và đưa tôi cuốn sách Giao trình 301 in bìa vàng, nói “Cậu học giùm tớ lớp tiếng Trung một tháng nhá, tớ phải về Bắc rồi”, “Nhưng mình bận học lớp tiếng Anh rồi ”- tôi nói. Thắm nài nỉ “Làm phước đi, không thôi bỏ uổng lắm”.

Thế là, tôi đi học lớp tiếng Trung đầu tiên với tư cách là học thế, bây giờ nhớ lại sao thấy hồi đó mình lại làm chuyện hoang đường là đi học thế được cơ chứ? Nhưng nhờ nó đã khởi đầu cho sự nghiệp học tiếng Trung dài đằng đẳng sau này. Thật sự mà nói, lúc đó tôi chỉ đi học thế cho vui thôi, vì tôi vẫn thích tiếng Anh hơn . Bây giờ nghĩ lại, tôi luôn thầm cảm ơn Thắm, người bạn đã tạo nhân duyên đưa tôi đến với tiếng Trung.

Thời gian cứ thế vô tình trôi qua, bạn Thắm vẫn chưa về trường và tôi lại tiếp tục mang giáo trình đi học tiếng Trung. Cô bắt đầu chú ý đến tôi, cô nhìn chữ Hán tôi viết khen đẹp, được cô khen tôi càng có thêm động lực.

Những lời khen của cô chính là động lực để mình luyện viết tiếng Trung mỗi ngày (Ảnh: An Hỷ)

Sau này tôi nhận ra, một lời khen, lời động viên đúng lúc, có thể thay đổi cuộc đời của một người. Tuy vẫn nghe chưa được, nhìn chữ chưa nhớ âm đọc, nhưng có lẽ lý do duy nhất để tôi kiên trì với tiếng Trung đó là viết chữ Hán.

Đúng vậy! Tôi thật sự đã rèn chữ mỗi ngày, không bỏ ngày nào. Cho tới ngày bạn Thắm về, cô nhẹ nhàng nói với tôi, em đăng ký học luôn lớp cô nhá….Và tôi chính thức trở thành sinh viên của lớp (chứ không còn học thay nữa).

Đã một học kỳ trôi qua, chúng tôi vẫn là những đứa nhìn chữ Hán đọc không ra tiếng, vì tiếng Trung là ngôn ngữ tượng hình, viết một đằng đọc một nẻo, hầu như giữa âm và chữ chẳng có mối liên hệ nào với nhau cả. Giống như những chú vẹt đang nhiệt tình tập nói, chúng tôi chỉ lặp đi lặp lại những câu một cách máy móc như : Xin chào, bạn có khỏe không? Công việc của bạn có bận không? Nhà bạn có bao nhiêu người?

Còn phần nghe ư? Với một đứa 12 năm trời học tiếng Anh như tôi, một ngày bỗng nhiên quẳng vào lỗ tai mình những âm thanh xa lạ, làm sao trong phút chốc nghe được? Nếu như lúc trước hoàn toàn xa lạ, thì sau khi học xong một khóa tôi đã thật sự đạt tới “cảnh giới” là nghe quen quen, nhưng lại không biết đang nói cái gì.

Bằng chứng mỗi lần nghe giáo trình cứ như có cái gì đó lùng bùng trong tai, cực kỳ khó chịu. Nhớ lúc đó tôi còn không nghe ra được âm z , j và c. Mỗi lần cô cho nghe từ rồi viết lại âm pinyin tôi hầu như chẳng viết lại đúng từ nào. Đúng là vạn sự khởi đầu nan, nhưng gặp gian nan lại nản.

Cuối học kỳ đó, tôi đưa ra một quyết định quan trọng: Bỏ học lớp tiếng Anh, chuyển qua tiếng Trung.

Có thể bạn muốn xem: Du học Trung Quốc: Học online có gì vui?

Bước ngoặt thời sinh viên

Mặc dù học chuyên ngành cổ ngữ nhưng học kỳ nào tôi cũng được học một môn tiếng Hán hiện đại. Vào năm thứ 3 chúng tôi may mắn được một cô giáo người Đài Loan dạy. Cô viết chữ Phồn thể và nói bằng giọng lơ lớ của người Đài.

Tại thời điểm đó tôi coi như đã có nền tảng, và tiếp xúc với tiếng Trung được hai năm trước rồi, vậy mà khi nghe cô nói tôi vẫn không hiểu cô đang nói gì. Vòng tròn cảm xúc trong lúc học lần lượt như sau: nghe không hiểu – hoang mang – không trả lời không hỏi được – căng thẳng – chán.

Trong khi đó, trong lớp mấy bạn học giỏi ngồi bàn đầu lại nói chuyện với cô ào ào. Nhớ lại buổi chiều hôm đó sau giờ học tiếng Trung, tôi mặt buồn thiu ra về, trong lòng nghi ngờ sự chăm chỉ, nổ lực của bản thân, nghi ngờ luôn cả cuộc sống.

Tình cờ, tôi có hỏi bạn bên ngành Ngôn ngữ học, đang học tiếng Nhật và cả tiếng Anh song song, làm cách nào để cải thiện kỷ năng nghe. Bạn ấy bật mí, phải nghe mọi lúc có thể. Tranh thủ luyện nghe ngay trên xe buýt, chuyến xe đi đến trường nghe tiếng Nhật, chuyến về nghe tiếng Anh. Nghe xong, tôi như nhìn thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm.

Thế là bắt đầu từ đó, tôi hạ quyết tâm nghe cho bằng được tiếng Trung, với một thái độ quyết liệt hơn. Tôi đeo tai nghe nghe giáo trình suốt cả ngày mọi lúc mọi nơi, trừ những lúc cần làm việc tập trung tâm trí ra thôi, và đặc biệt là thời gian chết trên xe buýt. Tính ra tổng thời gian nghe mỗi ngày là gần 4 tiếng.

Như những học sinh, sinh viên khác sống ở vùng ngoại ô Thành phố, để có thể đến trường đúng giờ (trường Nhân văn ở Thủ Đức), thì chúng tôi phải dậy 4h hoặc 4h30. Và hằng ngày, khi mặt trời còn chưa ló dạng, cứ 5h sáng tôi đã có mặt trên xe buýt. Chỉ cần lên xe ngồi xuống, tôi liền đeo tai nghe lên luyện nghe.

Ngồi trên xe nhìn các bạn xung quanh ai nấy đều ngủ như chết, bên ngoài trời còn chưa sáng, thỉnh thoảng chỉ còn nghe thấy tiếng còi của bác tài xe 52, một mình tôi đầu óc tỉnh táo đeo dây phone, lại tiếp tục lắng nghe những âm thanh đang dần dần quen thuộc trong giáo trình Hán ngữ ngày nào, khoảnh khắc đó tôi biết rằng: Mình đã đi đúng đường.

Một người thầy dạy tôi đã từng nói rằng, các em chỉ có hai sự chọn lựa, một là tiếp tục nổ lực đi tiếp, hai là bỏ cuộc. Đối với sinh viên năm ba như chúng tôi mà nói, bỏ cuộc ở đây không phải là bỏ học mà là học cho có, cho qua môn, và không còn muốn cố gắng nữa.

Tôi luôn cảm thấy may mắn là mình không rơi vào trường hợp “sống qua ngày” . Bởi đơn giản, tôi cũng đã từng trải qua những ngày tháng khó khăn nhất. Đó là những ngày có cố gắng, và cũng có thất bại, thậm chí có lúc chán nản muốn từ bỏ, nhưng tôi vẫn không cho phép bản thân mình dừng lại sự nỗ lực.

Thi hsk và du học

Cuối năm 3, các thầy cô trong các buổi học thường động viên chúng tôi thi chứng chỉ Tocfl và hsk để đi Đài Loan hay Trung Quốc học. Tôi và một bạn học chung cũng đi đăng ký thi hsk4 và tocfl3, kết quả tôi đậu hsk và rớt tocfl, sau này cũng có thi lại lần 2 và tiếp tục rớt. Từ đó tôi dập tắt ý nghĩa đi Đài Loan học.

Đầu năm 4, cả lớp tôi bắt đầu sùng sục ôn luyện HSK4 để ra trường, phần tôi vì đã thi vào năm 3 nên lần này tôi thi tiếp HSK5 và làm hồ sơ nộp kiểu “thực tập” với chuyên ngành Triết Học và rớt.

Năm tiếp theo tôi vẫn ngoan cố nộp ngành Triết Học và lại tiếp tục tạch.

Một năm sau khi tốt nghiệp tôi tập trung ôn thi HSK6 và làm hồ sơ nộp các trường nhưng lần này đổi chiến lược. Tôi quay đầu lại nộp chuyên ngành Hán Ngữ.

Sau hai năm thất bại, cảm xúc đã dần chai sạn, nên lần này tôi chỉ nhờ một người bạn đang học Đại học Dân tộc Quảng Tây nộp hộ. Cuối cùng, vào một buổi sáng đẹp trời, tôi nhận được cuộc gọi từ cô ở văn phòng Quốc tế , cô nói lên check mail ngay. Giây phút đó, tôi chỉ có một cảm giác an toàn là cuối cùng cũng được đi học.

Có thể bạn muốn xem: Thanh Đảo và những điều chưa kể

Du học không phải là con đường trải thảm

Mang tâm thế của đứa đã thi qua HSK6 và nhiều năm tiếp xúc với chữ Hán, tôi đã luôn nghĩ mình sẽ học tốt khi vào chuyên ngành. Nhưng không, tôi đã quá ảo tưởng sức mạnh với tấm chứng chỉ HSK6.

“Lúc vô ngồi học chuyên ngành mới nhận ra rằng, nó thật sự không còn ý nghĩa gì trên cuộc đời này nữa. Lên lớp nghe giảng các môn lý luận không hiểu. Nguyên nhân cũng rất đơn giản, thuật ngữ chuyên ngành thuộc một phạm trù khác, không liên quan đến từ vựng HSK. Nói chính xác hơn, vì thiếu kiến thức nền chuyên ngành nên nghe không hiểu.”

Một tiết học online của mình (Ảnh: An Hỷ)

Từ một đứa học ở Việt Nam thích ngồi bàn đầu, hăng hái trao đổi với thầy cô, trở thành một người thu mình lại, cùng với các bạn du học sinh ngồi ở bàn cuối. Có lúc tôi đã nghĩ rằng sẽ không bao giờ lấy lại sự tự tin của mình ngày trước.

Khi tìm lời khuyên, mọi người đều bảo, phải đọc thật nhiều vào, hay ở trên lớp thầy cô cũng đều bảo rằng “Các em cần phải đọc nhiều hơn”. Đọc sách, báo, luận văn thật nhiều để tìm ý tưởng viết luận văn tốt nghiệp. Vấn đề ở đây là, có thể đọc được đa phần các từ trong sách nhưng vẫn không hiểu.

Có thể đọc tới đây các bạn sẽ ngạc nhiên liền. Nhưng sự thật là muốn đọc hiểu sách chuyên ngành từ vựng thôi vẫn chưa đủ. Từ vựng chỉ là phần thô, ngữ pháp mới là chất kết dính chúng lại.

Thực tế, đối với văn viết, với những câu dài trong tiếng Trung, nếu không có nền tảng ngữ pháp và khả năng phân tích câu thì thật khó mà hiểu sát nghĩa được. Để giải quyết vấn đề này, tôi đã đọc thêm sách ngữ pháp, tìm hiểu các mẫu câu tiếng Trung, kết hợp trong lúc đọc để ý các cấu trúc câu, các cụm từ đi liền với nhau. Và điều quan trọng là kiên trì đọc mỗi ngày.

Học kỳ đầu tôi nhớ mình đã miệt mài ở thư viện, học từ sáng đến tối, mà vẫn cảm thấy bơi không nổi, nhưng nếu không cố gắng bơi thì sẽ chìm.

Sau hai năm kiên trì đọc, bây giờ vào học kỳ mới, học online các môn chuyên ngành, tôi đã có thể nghe hiểu tốt hơn. Đọc sách chuyên ngành cũng ít khi tra từ điển, đã dần dần quen thuộc với các mẫu câu. Mọi thứ đã không còn quá khó khăn như mới bắt đầu.

Tôi không phải là kiểu người thích nói mọi thứ một cách quá dễ dàng, kiểu như “học thạc sĩ nhàn lắm em ơi, vừa học vừa chơi” hay “học đại đi, tới lúc đó tự khắc sẽ viết được luận văn” ; cũng không phải là người thích than vãn, kể khổ mà không làm gì hết.

Chỉ muốn nói rằng, học ngoại ngữ là một quá trình, mọi thứ đều được xây dựng từ từ, càng không có con đường tắt nào cả. Nếu như bạn thấy ai đó viết chữ Hán đẹp và nói tiếng Trung giỏi thì phải ngầm hiểu rằng, bạn ấy cũng phải bắt đầu từ nét phẩy, và tập nói câu: Xin chào, Bạn có khỏe không?đầu tiên mà thôi.

Cũng như tôi đã phải trầy trật biết bao nhiêu để có thể bước đi trên chặng đường 8 năm dài của mình.

Giờ đây, mọi thứ đang bị đảo lộn, đại dịch chưa hề có dấu hiệu nào thuyên giảm, con đường trở về trường càng trở nên xa xôi hơn. Nhưng chúng ta không được nản các bạn ạ, vì giấc mộng Trung Hoa vẫn đang còn dang dở kia mà.

Tôi vẫn còn chưa thực hiện được giấc mơ mang tên Trường An, chưa được trở về cố đô của triều đại nhà Đường.

Vẫn chưa nhìn thấy được con đường tơ lụa nổi tiếng, ở đó có bóng dáng cô độc của nhà sư Huyền Trang, với từng đoàn thương khách viễn phương, những trận cướp thổ phỉ giết người đẫm máu, tiếng rì rầm của lời kinh, tiếng gió hú từng đợt đến rợn người, những trận bão cát mịt trời miên man bất tận, và những hang động thánh tích Phật giáo nổi tiếng….

Tất cả vẫn đang còn chìm trong giấc mộng.

Nhưng tôi tin chắc rằng có một ngày, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau quay trở lại Trung Quốc và cùng nhau thực hiện GIẤC MỘNG TRUNG HOA.

Có thể bạn muốn xem: HƠN BA NĂM – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Bài viết được chia sẻ bởi: An Hỷ

Nhật Ký Du Học rất mong được đón nhận nhiều hơn các bài chia sẻ về trải nghiệm của tất cả các bạn trong quá trình du học. Nếu các bạn muốn đóng góp và đăng tải bài viết lên https://nhatkyduhoc.vn vui lòng gửi bài viết về địa chỉ email nhatkyduhoc.vn@gmail.com theo cú pháp sau:

Tiêu đề mail: Tên bài viết (Title)
Nội dung email: File bài viết dạng word và nội dung muốn nhắn gửi.

Nhật Ký Du Học xin chân thành cảm ơn!

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích đừng quên dành tặng Tác giả 1  like nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection by DMCA.com

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button