Nhật Ký Du HọcDu học Trung Quốc

DUYÊN PHẬN VỚI BẮC KINH – HỌC VIỆN HÝ KỊCH TRUNG ƯƠNG

Đến tận bây giờ mình vẫn không thể tin được mình lại có ngày được vào học tại Học viện Hý kịch Trung ương – “lò đào tạo” ngôi sao hạng A, đạo diễn và diễn viên ưu tú hàng đầu tại Trung Quốc.

Bén duyên với Trung Quốc

Không hề sai nếu nói rằng mình và Trung Quốc rất có duyên phận.

Như bao bạn khác, lúc nhỏ mình đã xem rất nhiều phim Trung Quốc.

Tứ đại danh tác: Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng từ hồi cấp 1 mình đều nghe và xem qua rồi. Hồi đó mạng Internet không phát triển như bây giờ. Đối với một đứa trẻ ở một gia đình hết sức bình thường như mình, điện thoại và máy tính là xa xỉ phẩm. Thời thơ ấu của mình có thể hiểu biết về Trung Quốc đều nhờ xem tivi và đọc sách báo.

Năm 2008, một ngày bình thường như bao ngày khác, mình mở tivi lên và vô tình nghe được một bài hát lôi cuốn kinh khủng. Không những âm nhạc động lòng người, mà những cảnh quay trong MV còn làm mình không thể rời mắt. Vào ngay khoảnh khắc ấy, mình đã hạ quyết tâm, nhất định phải tới nơi này một lần trong đời.

Sau này, mình đã biết được, đó là bài Beijing Welcomes You ( 北京欢迎你) – bài hát nhân dịp đếm ngược 100 ngày đến Olympic – Thế vận hội Mùa hè 2008 tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

11 năm trôi qua nhanh như chớp mắt, mình sống một cuộc sống bình thường như xuất thân của mình. Học lên cấp 3, thi đỗ Đại học, chọn chuyên ngành Đạo diễn, bận rộn với chương trình học tập trên lớp và các buổi thực hành, học thực tế tại các nhà hát. Trải qua rất nhiều chuyện mình chưa từng nghĩ đến, nhưng ước mộng thời thơ ấu không còn xa vời như xưa nữa.

Đại học Sân khấu Điện ảnh

Một ngày nào đó vào tháng 5 năm 2019, dưới thời tiết nóng như đổ lửa, mình nhận được thông báo của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội: trường sẽ tuyển chọn sinh viên đi học Dự án đào tạo học vị cử nhân tại Học viện Hý kịch Trung ương, Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sau khi nhận được thông báo, mình không thể ngừng nghĩ về nó. Ước mơ thời thơ ấu trong một khoảnh khắc đã quay trở lại rồi. Sau đó, mình tuy có chút do dự vì chưa hề có bất kì chứng chỉ ngoại ngữ nào, tiếng Anh thì tàm tạm, chứ tiếng Trung thì chưa hề động một chữ. Cuối cùng, mình vẫn quyết liều ăn nhiều, chuẩn bị hồ sơ đi đăng kí.

2 tháng sau, mình nhận được thông báo đỗ học bổng! Trong lòng vui sướng phát điên lên được. Ước mơ hồi nhỏ cuối cùng cũng có thể thực hiện rồi !!!

Cuộc sống tại Trung Hý

Nhưng, sau khi đến Bắc Kinh, Trung Quốc mình mới phát hiện, ước mơ không phải đặt chân đến đó là hoàn thành. Nó là cả một quá trình khó khăn.

Trước khi đến Bắc Kinh, 1 chữ tiếng Trung mình cũng không biết, chưa hề học qua một chút nào, chỉ nói được xin chào và cảm ơn bằng tiếng Trung.

Muốn thuận lợi học hành tại Trung Hý, phải dành 1 năm để học tiếng Trung ở Học viện Ngoại Ngữ số 2 Bắc Kinh (北京第二外国语学院 – Beijing International Studies University), thông qua bài kiểm tra tiếng CSC thì mới có thể ở lại Trung Quốc.

Tuần đầu tiên, mình vẫn rất hào hứng, nhưng nửa tháng sau, tiếng Trung làm mình khóc thét.

Ảnh minh họa

Lần đầu tiếp xúc với chữ tượng hình, trong đầu một đứa hay quên và lười học như mình loạn cào cào hết cả lên. Mà ngày nào cũng phải kiểm tra chính tả, tuần nào cũng có bài kiểm tra. 10-40 từ mới và ngữ pháp phải nhớ hết trong 1 ngày, nhiều như thế, một đứa mới học như mình không chịu nổi. Với lại, mấy ngày đầu còn bận bịu làm giấy tờ, lịch học tiếng thì kín từ sáng đến 7h30 tối.

Rồi có lần bị lạc đường vào tối muộn, đi bộ 5-7km, 12h đêm mới về đến phòng, hôm sau lại đi bộ mấy cây số chỉ để chụp ảnh thẻ. Lần đầu đi bộ nhiều đến thế, kiệt sức chỉ muốn ngất đi.

Điểm số lúc đó của mình cứ lẹt đẹt, nằm top dốt của lớp, cô chủ nhiệm thấy thế nên một hôm gọi mình ra phòng riêng, nói chuyện với mình.

Cô không hề trách mắng gì, chỉ nói rất nhẹ nhàng, nhưng làm mình suy nghĩ và khóc ngay lúc đó. Mình nhớ cô nói ( nói tiếng Anh nha chứ tiếng Trung mình không hiểu gì) “Cô biết là em mới đến Trung Quốc, muốn đi chơi, tham quan những nơi nổi tiếng. Em có đến 5 năm ở đây, nhưng nếu không học được tiếng thì sẽ phải về nước, không còn gì nữa cả. Em là một học sinh đặc biệt hơn các bạn khác, vì trường em đến là Học viện Hý kịch Trung Ương, là ước mơ không thể chạm đến của vô số người”.

Cô nói xong đến đấy mình khóc luôn, cảm giác thất vọng với bản thân kinh khủng. Thấy mình khóc không dừng lại được, cô còn trêu “Đừng khóc, nhưng khóc cũng không sao, vì có nhiều học sinh Việt Nam từng khóc ở đây rồi”.

Cô làm mình dở khóc dở cười luôn, mình cố ngừng khóc một chút, rồi chào cô và vào nhà vệ sinh khóc tiếp để không ai biết.

Từ hôm đó trở đi, mình quyết tâm phải học hành tử tế, và dần dần đã trở thành học sinh đứng đầu lớp, tháng trước còn mới thi qua HSK 5. Trong quá trình học tiếng Trung thì mình cũng được học rất nhiều về văn hóa, mở rộng hiểu biết vô cùng nhiều.

Phải nói là thời gian học ở Trung Quốc đối với mình vô cùng tuyệt vời, thầy cô “cute”, rất “teen” và quan tâm học sinh. Cả 2 trường Hý kịch và Bắc Ngoại đều đối với mình rất tốt. 1 năm trước xuống máy bay là trường Hý kịch đã cử giáo viên và xe riêng đi đón mình rồi. Cả 2 trường cũng hay tổ chức đi tham quan, du lịch miễn phí cho du học sinh.

Hồi cấp 3 mình có ý định đi du học ở châu Âu, nhưng kinh tế không cho phép, vậy mà sau này Trung Quốc lại chọn mình.

Trước nay thấy rất nhiều bạn hỏi về Học viện Hý kịch và nhiều bạn bình luận nhắc các bạn đó đừng mơ xa, mình thì chỉ có một lời khuyên cho các bạn là: Xác định rõ ước mơ, việc mình thực sự muốn làm, vẽ con đường gần với thực tế nhất cho bản thân và đi theo. Để học hệ Đại học ở Trung Hý thì hiện tại chỉ có 1 con đường là thi vào Đại học Sân khấu – Điện Ảnh rồi đi theo hệ trao đổi của trường. Các anh chị đang học ở Trung Hý và mình đều là đi theo con đường này (có cả anh chị ở Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội).

Hệ thạc sĩ thì có tự xin học bổng, nhưng thật sự là rất giỏi và nhiều kinh nghiệm mới xin được.

Các trường trên thế giới hợp tác với Hý kịch Trung Ương

Hy vọng các bạn đủ dũng khí theo đuổi ước mơ.

Mong rằng dịch bệnh sớm qua đi để chúng ta sớm được sang học lại.

Có thể bạn muốn xem: Từ sân khấu điện ảnh đến Trung Hý may mắn

Bài viết được chia sẻ bởi tác giả: Ngọc Nguyễn

Nhật Ký Du Học rất mong được đón nhận nhiều hơn các bài chia sẻ về trải nghiệm của tất cả các bạn trong quá trình du học. Nếu các bạn muốn đóng góp và đăng tải bài viết lên https://nhatkyduhoc.vn vui lòng gửi bài viết về địa chỉ email nhatkyduhoc.vn@gmail.com theo cú pháp sau:

Tiêu đề mail: Tên bài viết (Title)
Nội dung email: File bài viết dạng word và nội dung muốn nhắn gửi.

Nhật Ký Du Học xin chân thành cảm ơn!

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích đừng quên dành tặng Tác giả 1  like nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection by DMCA.com

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button