CÁC LỄ HỘI ĐẶC SẮC CỦA DÂN TỘC THIỂU SỐ TRUNG QUỐC
Cũng như Việt Nam, Trung Quốc là một quốc gia đa dân tộc, cùng với nền văn hóa đa dạng thì ngoài những ngày lễ tết truyền thống phổ biến được nhiều người biết đến như Tết Nguyên Đán, Tết Thanh Minh, Đoan Ngọ… thì ở quốc gia tỉ dân này còn vô số những ngày hội, ngày lễ đặc sắc của bộ phận dân tộc người thiểu số mà bạn có thể chưa biết đến đấy.
Hãy cùng Du học Trung Quốc Riba đi khám phá những lễ hội đặc sắc của dân tộc thiểu số Trung Quốc nhé!
Lễ Hội Té Nước
Thời gian: 13-16 Tháng 4
Địa điểm: Tây Song Bản Nạp, Vân Nam, Trung Quốc
Bắt nguồn từ nghi lễ của Phật Giáo, cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á theo đạo Phật khác chẳng hạn như Songkran của Thái Lan, Lào vô cùng nổi tiếng. Đây được xem là nghi lễ thanh lọc của Phật giáo thường do người dân dân tộc Thái tổ chức vào những ngày chào năm mới. Vào ngày này hoạt động nổi bất nhất chính là mọi người ăn sẽ mặc thật xinh đẹp, thật sặc sỡ cùng nhau đổ xuống đường, té nước vào người nhau với mong muốn gột rửa đi những điều không may mắn của năm cũ và mong chờ một năm mới tốt đẹp hơn. Ngoài ra còn có các hoạt động thú vị khác như đua thuyền, cưỡi voi, đánh đu, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động văn hóa dân gian khác…
Mặc dù đây thực chất là một nghi lễ truyền thống mang tính chất trang trọng của tôn giáo, nhưng hiện nay có thể nói Lễ hội té nước ở Trung Quốc hay Songkran của Thái Lan, Lào..và các nước Châu Á đều dần dần trở nên vui vẻ, sôi động với nhiều hoạt động thú vị thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến để trải nghiệm lễ hội độc đáo này.
Lễ Hội Dao Gan
Thời gian: 7 và 8 tháng 2 Âm lịch
Địa điểm: thành phố Đằng Xung hay (huyện Long Lăng), tỉnh Vân Nam
Lễ hội Dao Gan được người Lisu tổ chức hàng năm để tưởng nhớ vị quan, Wang Ji, người trong triều đại nhà Minh, là một anh hùng vĩ đại của Lisu. Mặc dù bản thân là người Hán, nhưng vị anh hùng Wang Ji này đã đào tạo những thanh niên trẻ tuổi Lisu trở thành những chiến binh thiện nghệ và đã có công lớn trong công cuộc giúp người Lisu bảo vệ vùng đất của họ khỏi những kẻ xâm lược. Ngoài ra Wang Ji trong những năm sống ở đây, cũng đã dạy cho người dân các kỹ thuật nông nghiệp mới cũng như các kỹ năng quân sự. Thật không may, sau đó Wang Ji đã bị đầu độc khi bị buộc tội phản quốc, và để tưởng nhớ công lao to lớn và kỉ niệm ngày mất của vị anh hùng vĩ đại này, người dân nơi đây đã tổ chức ra ngày hội này.
Vào ngày lễ này mọi người sẽ tham gia các hoạt động như đi bộ trên than nóng, múa kiếm lửa, leo cột lửa…Trong đó, phải kể đến leo kiếm, một trong những trò chơi mạo hiểm nhất, những người đàn ông trong làng phải trèo lên một chiếc thang đặc biệt, tất cả các thanh của chiếc thang này đều làm từ các lưỡi kiếm gắn vào cọc tre. Không sử dụng bất cứ một dụng cụ hỗ trợ nào, họ phải thực hiện bằng chân trần và người chiến thắng sẽ là người đầu tiên leo lên đỉnh của bậc thang rồi thực hiện động tác nhào lộn và đốt pháo hoa trước khi leo xuống. Màn trình diễn thót tim này là điểm không thể bỏ qua đối với du khách khi đến đây.
Lễ Hội Munao Zongge
Thời gian: 15 tháng 1 Âm lịch
Địa điểm: Đức Hoành, Vân Nam
Zongge là lễ tết truyền thống của dân tộc Jingpo, Vân Nam, Trung Quốc, vào ngày đặc biệt này hàng ngàn người cùng nhau nhảy múa theo nhịp trống cùng với nền âm nhạc nhân gian. Với quy mô vô cùng lớn và những điệu nhảy phức tạp, nên nó còn được gọi là “vũ điệu của thiên đường”. Mỗi bước đi đều rất quan trọng nên những vũ công tham gia cần phải khéo léo, phối hợp nhịp nhàng nhất.
Lễ Hội Đường Phố Tháng 3
Thời gian: 15 tháng 3 Âm lịch
Địa điểm: Đại Lý, Vân Nam
Lễ hội Tháng Ba thực tế được tổ chức bởi nhiều dân tộc khác nhau, nhưng có thể nói lễ hội của dân tộc Bai ở Đại Lý cho đến nay được mọi người biết đến nhiều nhất. Một khu chợ lớn ngoài trời được dựng lên dưới chân núi Cangshan, nơi đây bán tất cả mọi thứ như thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, các loại trà đặc sản, nhạc cụ,…thậm chí là cả gia súc. Tất cả đều do người dân của khu vực này tự sản xuất và tự mình đem ra bày bàn. Không chỉ là một nét đẹp về văn hóa mà lễ hội này còn có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế địa phương và được người dân địa phương cũng như du khách mong đợi. Sẽ là một trải nghiệm khó quên cho du khách khi cùng nhau dạo quanh giữa các gian hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, được thưởng thức những món ăn đặc sản nơi đây.
Lễ Hội Đèn Bơ
Thời gian: 25 tháng 10 theo lịch Tây Tạng
Địa điểm: Tây Tạng (Thanh Hải, Tây Bắc Vân Nam, phía Tây Tứ Xuyên)
Cứ đến ngày nay, các chùa chiền, đền miếu ở Tây Tạng lại tấp nập người qua lại để cùng nhau chuẩn bị lễ hội đèn bơ. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ vị sư Tsong Khapa, một vị Lạt-ma Tây Tạng, nhà cải cách lừng danh của Phật giáo. Ban ngày, người dân đến các ngôi chùa để cầu nguyện, thắp hương và hướng về Đức Phật. Ban đêm, mọi người như đắm chìm trong mùi thơm của dầu bơ và ánh sáng lung linh từ những ngọn đèn, đặc biệt, những bức chạm khắc về Đức phật và các biểu tượng Phật giáo khác được các nghệ nhân điêu khắc từ bơ vô cùng tinh xảo. Vào ngày này, tất cả người dân Tây Tạng sẽ ăn Tsampa, một món ăn truyền thống từ lúa mạch của người dân vùng này và để tăng hương vị chúng thường được kết hợp với trà bơ hay trà ngọt, điều này cũng có ý nghĩa để thanh lọt cơ thể và cầu mong bình an cho bản thân, gia đình mình.
Xem thêm: Tìm Hiểu 10 Biểu Tượng Nổi Bật Của Văn Hóa Trung Hoa
Lễ Hội Đuốc
Thời gian: 24 tháng 6 Âm lịch
Địa điểm: Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu
Một lễ hội lớn của dân tộc Yi cư trú ở các tỉnh miền nam Trung Quốc. Không chỉ có người Yi, lễ hội này cũng được rất nhiều dân tộc thiểu số khác tham gia. Sự kiện này được tổ chức nhằm tôn vinh vị thần Atilaba trong truyền thuyết, một người khổng lồ đã dùng cây đốt đuốc để đánh đuổi dịch châu chấu.
Vào ngày nay, ban ngày, mọi người từ già nhỏ gái trai đều ăn mặc đẹp đẽ tham gia các hoạt động dân gian tập thể như đấu bò, đấu vật, đua ngựa, bắn cung… và không thể thiếu uống rượu để chúc mừng. Về đêm, mỗi gia đình đều sẽ đốt đuốc trong nhà và canh ở vị trí mà luôn đảm bảo ngôi nhà nhận được ánh sáng tốt nhất. Ngoài ra mọi người cũng sẽ đốt đuốc ở ngoài hay ở các cánh đồng. Đặc biệt, thời điểm vui nhất có thể nói là lúc mọi người trong làng tụ họp bên ngọn đuốc lớn đỏ rực, cùng nhau nhảy múa, ca hát, những chàng trai thổi sao, những cô thiếu nữ xinh đẹp thì nhảy múa trong những điệu nhạc dân gian.
Lễ Hội Nadaam
Thời gian: tháng 7 hoặc tháng 8
Địa điểm: Mông Cổ
“Nadaam“, tiếng Mông Cổ có nghĩa là tiêu khiển hoặc giải trí. Là một lễ hội có lịch sử lâu đời, xuất hiện ít nhất là từ thời Đế quốc Mông Cổ, khi Thành Cát Tư Hãn biến lễ kỷ niệm truyền thống trở thành ngày lễ chính thức của người Mông Cổ. Nadaam xoay quanh ba môn thể thao đặc biệt dành cho phái mạnh bao gồm đấu vật, đua ngựa và bắn cung. Bên cạnh đó còn có ca hát, nhảy múa, biểu diễn nghệ thuật dân gian…
Lễ hội Nadaam đặc biệt được diễn ra vào mùa hè, khi những cánh đồng cỏ xanh tươi, trải dài vô tận là địa điểm thích hợp nhất để diễn ra cuộc tranh tài vô cùng gây cấn và lý thú của người dân nơi đây, không phân biệt tuổi tác, khoác lên mình những phục sức sặc sỡ nhất, tham gia tranh tài cưỡi ngựa. Những lá cờ đầy màu sắc bay phấp phới trong gió, tiếng mọi người la hét cổ vũ, đồng cỏ yên bình ngày thường bỗng chốc trở nên ồn ào náo nhiệt lạ thường.
Lễ Hội Lusheng
Thời gian: 16 tháng 1 Âm lịch
Địa điểm: Quý Châu, Trung Quốc
Lễ hội Lusheng là lễ hội nổi tiếng nhất của nhóm dân tộc thiểu số người Miao (Hmong), đây là lễ hội đặc trưng được tổ chức khắp nơi, ở bất kì chỗ nào có người Miao sinh sống, nhưng lớn nhất và nổi tiếng nhất có lẽ là lễ hội Lusheng là ở Kaili, tỉnh Quý Châu. Lusheng là một nhạc cụ bằng gỗ tre, nhạc cụ hoàn hảo để đồng hành với nhiều hoạt động dân gian truyền thống như múa Miao và nhào lộn.
Người Miao từ các ngôi làng xung quanh hay lân cận cùng nhau tụ tập lại, mặc những bộ trang phục đẹp nhất của dân tộc mình, đội những chiếc mũ bạc. Những người phụ nữ nhảy múa theo điệu nhạc do những người đàn ông trong làng thổi, bên cạnh đó còn có các hoạt động thú vị như đấu bò, đua ngựa…Đặc biệt đây cũng là thời điểm tuyệt vời để các nam thanh nữ tú trong làng gặp gỡ, tìm hiểu, kết duyên.
Lễ Hội 3 Tháng 3
Thời gian: 3 tháng 3 Âm lịch
Địa điểm: Quảng Tây
Lễ hội 3 tháng 3 không chỉ là lễ hội truyền thống của dân tộc Choang mà còn là một trong những lễ hội của các dân tộc thiểu số như Hán, Yao, Dong, Miao ở Quảng Tây. Có rất nhiều truyền thuyết nói về sự ra đời của ngày lễ này, trong đó có lẽ thú vị nhất được người dân truyền miệng lại chính là câu chuyện về rắn cụt đuôi, tương truyền có một người phụ nữ dân tộc Choang một ngày đi làm đồng, vô tình thấy con rắn cụt đuôi cứ năm lần bảy lượt chuôi vào giỏ của mình. Thương tình bà đem nó về nuôi, kì lạ, rắn càng ngày càng lớn dần, còn có tài hô mưa gọi gió, cứu giúp dân làng qua cơn đại hạn. Bỗng một ngày người mẹ của rắn qua đời, rắn thần đã khóc rất nhiều. Từ đó cứ ngày này, ngày 3 tháng 3 rắn thần lại về tảo mộ mẹ mình.
Trong ngày này hàng năm, mọi người đều tổ chức bắn pháo hoa, bên cạnh đó là các hoạt động nhân gian truyền thống như diễn kịch, múa rồng, kéo co, chọi gà và các hoạt động triển lãm thương mại để quảng bá đặc sản của địa phương. Du khách đến đây sẽ được người dân chào đón nồng hậu bằng những điệu hát, tiếng kèn truyền thống, tiếp đón du khách tứ phương bằng những ly rượu gạo thơm và các món ăn đặc trưng của vùng đất này.
Hi vọng những gì mà Du học Trung Quốc Riba chia sẻ trong bài viết sẽ đem thật nhiều kiến thức bổ ích và thú vị đến cho các bạn!
Đừng quên theo dõi các thông tin khác của Du học Trung Quốc Riba tại hệ thống:
Hội Tự Apply Học bổng Trung Quốc
🌟 Riba – Dịch Vụ Học Bổng Du Học Trung Quốc
HỘI DU HỌC SINH VIỆT NAM TẠI TRUNG QUỐC | Kết nối, Chia sẻ, Hỗ trợ nhập học