13 năm học tiếng Trung – Tản mạn về du học
13 năm học tiếng Trung nghe mà thấy tốn hết cả thanh xuân. Kiểu mọi người thường nói khi còn trẻ, không ai có được cả tình yêu và năm triệu. Còn mình xin lỗi là mình đã chọn năm triệu nên nếu bài tản mạn có dài, ngại đọc cũng cho mình một “lai” kiếm năm triệu nha ღ
Mình xin tự giới thiệu mình là Hường một thạc sĩ đang du học online, học tiếng Trung từ năm lớp 6 tại một trường làng, mỗi tội làng mình hơi giàu, nhà mình nghèo nhất làng mà hầu như ngày nào cũng ăn hải sản. Hải sản tươi sống chứ không phải loại tôm tươi giãy rụng đầu đâu nhé.
Nghiêm túc mà nói thì các tỉnh biên giới như Móng Cái – Quảng Ninh nhà mình đều đào tạo tiếng Trung từ cấp 2 dù không phải trường chuyên lớp chọn gì.
“Bạn học tiếng Trung từ lớp 6 chắc giờ giỏi lắm nhỉ?” Đương nhiên là không rồi, hồi đó mình vẫn đang mải mê với các tác phẩm văn học đương cận hiện đại và bảy hằng đẳng thức đáng nhớ nên trình độ tiếng Trung chỉ dừng lại ở mức “a múi leng leng, a cố thèm thèm”.
Cách đây mười mấy năm ấy mà, người ta vẫn chưa coi trọng việc học ngoại ngữ lắm. Lên cấp ba, dĩ nhiên là mình vẫn phải theo lớp tiếng Trung, vì mải mê văn toán học nên điểm cũng may mắn được vào lớp “Chọn tiếng Trung”.
Lớp mình có cơ man là nhân tài tiếng Trung nhưng điều đó không hề làm mình rung động, mình vẫn chẳng yêu thích tiếng Trung tẹo nào. Ngày nào cũng học từ mới, đọc bài khóa, giải thích ngữ pháp và làm bài tập dập khuôn chiếc giáo án soạn một lần dùng từ khóa này sang khóa nọ điều đó làm mình buồn ngủ.
Nhưng mình nghe thiên hạ bảo là “Lên đại học sẽ có người yêu”, “Học đại học nhàn lắm” nên mình cũng cố gắng theo khối D4 thi đỗ chuyên ngành Sư phạm tiếng Trung trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mình chọn học sư phạm vì nhà mình nghèo nhất làng mà chuyên ngành này được miễn học phí đó, mình đã yêu tiếng Trung từ đây! Ngôi trường này đã thay đổi hoàn toàn đứa nhà quê không có chút tham vọng gì như mình.
Bốn năm học quá dài mình sẽ không lan man ở đây, nhưng sau này già mình sẽ kể cho con cháu mình nghe rằng ngày xửa ngày xưa có một cô gái nhút nhát vô cùng nhưng sau ba năm đi đường quyền cũng leo lên được chức vụ Phó bí thư khoa Trung, được vào Đảng vào ngày 27/07/2017, trình độ tiếng lên một tầm cao mới, phát âm chuẩn hơn rất nhiều và được thầy cô trong khoa giới thiệu cho rất nhiều mối phiên dịch. Hồi đó mình đi phiên dịch một tuần bằng lương nhân viên đi làm cả tháng luôn, giàu lắm.
Dĩ nhiên những chuyện đáng xấu hổ như việc chật vật mãi không qua nổi tiếng Anh thì thôi! Vậy là cô gái ấy cũng đã tốt nghiệp và ngộ ra rằng “Thiên hạ đã lừa mình” chẳng có người yêu mà cũng chẳng nhàn.
Em nào muốn tư vấn gì thêm về Đại học Ngoại ngữ hãy để lại bình luận nhé, chị sẽ giải đáp tận tình và chính xác.
Năm 2018 mình tốt nghiệp, gửi CV khắp Hà Nội mà việc mình ưng thì người ta chẳng ưng mình, việc ưng mình thì lương lại không ưng lắm. Vậy là mình lại về làng, làng mình lương cao lắm, nhờ chiếc hồ sơ đẹp mướt mơ so với đa số con dân trong làng mà mình được nhận làm kế toán công nợ Trung Quốc tại một công ty xuất nhập khẩu lương tháng hơn chục củ, đãi ngộ tốt, sếp dễ chịu, đồng nghiệp không kèn cựa cà khịa nhau, tối đi dạy tại một Trung tâm Ngoại ngữ. Bận không có thời gian yêu, tiền cũng không có chỗ nào tiêu. Vậy mà mình có chịu an phận thành gia lập nghiệp đâu!
Năm 2019 mình đỗ học bổng CSC tại trường Đại học Bưu điện Trùng Khánh trong sự ngỡ ngàng của cô hàng xóm, và sự buồn bực của bố mẹ vì đến tuổi đẻ rồi còn đòi đi học.
Trùng Khánh không có học bổng CSC hệ Đại học đâu nên khi apply học bổng các bạn nên tìm hiểu kỹ càng vấn đề này, đã là học bổng ấy mà không phải thích chọn trường nào, ngành nào cũng được.
Đi tự phí thì bao ngầu rồi, thích học gì được học đấy! Hồ sơ xin học bổng mình cũng tự tay làm từ giấy giới thiệu đến kế hoạch học tập nên anh chị em cần hỏi gì cứ để lại bình luận mình sẽ trả lời dần dần, cẩn thận, chính xác, yêu cầu của mỗi trường khác nhau chút ít nên mình có chia sẻ về cách xin học bổng ở đây cũng không có ích với mọi người lắm!
Lý do mình chọn Trùng Khánh là?
✔️ Không quá gần cũng không quá xa Việt Nam, nằm ở giữa giữa Trung Quốc đoạn sông Trường Giang (hay còn gọi là sông Dương Tử) mình ở sát biên giới nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại. Mình sẽ qua biên giới đi xe khách tầm 3 tiếng đến sân bay Nam Ninh và bay nội địa Nam Ninh – Trùng Khánh. Tổng thời gian đi lại tầm 8 tiếng nhanh hơn cả từ làng mình lên Hà Nội
✔️Sinh hoạt phí không quá đắt đỏ như Bắc Kinh, Thượng Hải nên mình sẽ có thể tiết kiệm chút ít từ 3000 tệ học bổng để tiền lấy chồng trước tuổi 30 như khuyến khích của thủ tướng chính phủ. Điều này các bạn nên cân nhắc kỹ nếu định vừa học vừa làm tại Trung Quốc. Vì mình dạy học online nên Trùng Khánh là lựa chọn tốt cho mình, mình chỉ cần ở phòng là có thể kiếm ra tiền, nếu các bạn muốn đi phiên dịch ở ngoài thì nên chọn Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang, Quảng Châu… những nơi nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty, công xưởng… thì mới có nhiều mối dịch, Trùng Khánh ít cực, đã ít còn không đến tay người mới như mình.
✔️Học sinh là người truyền cho mình động lực đi học tiếp, tiếng Trung Móng Cái chỗ mình mục đích mọi người học để làm ăn, buôn bán thiên về kinh tế, nên mình chọn học Kinh tế để bổ sung vốn từ, kiến thức, và kinh tế Trung Quốc cũng là điều mình thấy đáng học hỏi.
✔️Sau một năm ra trường các thầy cô ở Đại học Ngoại ngữ vẫn hỗ trợ mình xin học bổng, và trường Ngoại ngữ của mình có liên kết với Bưu điện Trùng Khánh nên cờ đến tay rồi phải phất thôi. Anh chị em có cần thêm thông tin gì về Trường Bưu điện Trùng Khánh cũng xin để lại bình luận mình sẽ trả lời tận tình trong tầm hiểu biết nha!
✔️Lý do thứ năm viết ra vì mình không thích số 4 và người Trung Quốc cũng vậy, ở Trung Quốc các tòa nhà hầu như đều không có tầng 4, 14, 24, 34, 44…
Du học sinh có được làm thêm không?
Đa số các trường là không, vì visa của chúng ta là visa du học mà. Nhưng bạn bè, anh chị của mình bên đó đều đi làm cả. Các bạn có thể chọn những công việc làm tại nhà như: dịch phim, phiên dịch tài liệu, viết luận văn thuê, order taobao… hoặc dạy tiếng Trung online như mình.
Khuyến khích các bạn chưa biết tiếng sang thì chăm chú học tiếng cho tốt đã ạ, chăm chăm đi làm thêm xong học hành chả đến đâu lúc cơ hội đến tay thì tiếng Trung lại không đủ trình lúc đó tiếc lắm.
Khi tiếng đã đạt trình độ nhất định thì đi làm cũng phải kín đáo, đảm bảo việc lên lớp hay tiến độ viết luận văn, ngoan ngoãn, biết điều, bớt đàn đúm đêm hôm lại thì các thầy cô thương, biết cũng làm ngơ thôi.
Số du học sinh Việt Nam làm thêm bị bắt thôi học, cắt học bổng và đuổi về nước chỉ đếm trên đầu ngón tay và chân thôi, vì mọi người đều rất biết điều đó.
Du học Thạc sĩ online và những chuyện chưa kể cùng ai
Về kỳ học online vừa rồi cũng chẳng có gì đáng viết ngoài một chữ “Khó” khó nghe, khó học, khó vào đầu, có gì không hiểu cũng khó hỏi, cảm giác học online Quản lý kinh tế, thương mại điện tử, phương pháp quản lý… bằng tiếng Trung khiến cho môn học đã khó nay còn khó hơn.
Nó không dễ dàng như việc mình dạy online tiếng Trung lớp chỉ 4-5 người. Cũng may lớp Thạc sĩ của mình chỉ có 12 người nhưng thỉnh thoảng lại nghe đâu đây tiếng chó sủa, tiếng xả nước, tiếng ca của các bà hàng xóm thích ngân nga, tiếng ngáp dài lê thê ê chề của bạn cùng lớp… chỉ vì quên không tắt mic. Một trải nghiệm khá thú vị và đầy gian truân.
Điều buồn nhất là mình đã bỏ lỡ mùa hoa anh đào đẹp nhất của Bưu điện Trùng Khánh.
Nói nhỏ cho các bạn nghe về kì học đầu tiên tại Trung Quốc của mình nhé, kỳ học trước tết chưa có dịch ấy. Mình vẫn nhớ như in chuyến bay lúc 19h50 từ Nam Ninh đến Trùng Khánh, vừa đặt chân xuống sân bay ở Trùng Khánh mình đã ăn ngay một cú lừa, đi ghép xe từ sân bay về trường mà mất hẳn 90 tệ, thôi hồi đó còn trẻ chưa trải sự đời.
Vì ghép xe, mình là khách trả cuối cùng nên được đi qua trung tâm thành phố, từ trên cầu nhìn xuống những chiếc thuyền thuyền lung linh trôi trên mặt sông huyền ảo, ngước lên trên là những toà nhà cao ngút trời nếu có ai đó nhìn vào mắt mình lúc ấy, sẽ thấy nó lấp lánh vô cùng, mình đã yêu Trùng Khánh từ cái đầu tiên như vậy đấy.
Đến cổng trường thấy trường đẹp như ảnh lòng cũng vui cho đến khi… Trường mình nó rộng quá các bạn ạ, nó lại còn trên núi nữa. Các bạn đi Sapa bao giờ chưa, kéo chiếc vali từ cổng vào ký túc mà mình cảm giác như mình đang chinh phục đỉnh Fansipan.
Lúc đó là gần 12h, do mình nhập học muộn lại đến vào giờ oái oăm nên hội sinh viên cũng không sắp xếp được ai hướng dẫn. Đến cổng ký túc mình quay cuồng trong mười mấy toà ký túc cao chót vót xếp lần lượt như ruộng bậc thang làng mình, chẳng biết nên vào tòa nào, bụng thì vừa đói vừa khát. Xin được số đứa bạn đã học bên này nên đợi mãi cũng có một đôi trai gái tốt bụng cho mượn điện thoại lại còn cho mình bánh, đói lắm mà giả bộ không ăn và gọi bạn xuống đón, vậy là trót lọt một phen.
Kinh nghiệm rút ra là hãy xin số điện thoại Trung Quốc của ít nhất hai anh chị bên trường mình sang học để liên hệ khi cần thiết, có thể mua sim Trung Quốc ngay tại sân bay để tiện liên lạc. Và nên mang theo ít đồ ăn nhẹ đừng để chiếc bụng đói như mình.
Căn phòng đêm đầu tiên mình ở là 416, cầm chìa lên mở cửa làm bạn cùng phòng tên Huyền cũng được một phen hú hồn tưởng ai. Mình mượn sim Trung Quốc của Huyền có 4G để liên hệ về gia đình mà loay hoay mãi cũng không được, người ngợm thì khó chịu, ăn tạm cái bánh được bạn Trung Quốc cho và đi tắm. Đặt lưng lên giường cũng đã gần 2h sáng rồi, cảm giác lúc đó kì lạ lắm nằm khóc một hồi rồi ngủ nhưng cũng chẳng hiểu vì sao mình khóc.
Sáng hôm sau, vẫn là cô bạn cùng khóa Đại học tên là Noãn Anh dẫn mình đi nhập học mua sim điện thoại, siêu thị… Noãn Anh là người nhiệt tình nhất mà mình từng gặp, chẳng phải chức tước gì trong hội sinh viên, nhưng luôn tận tình trả lời 10 vạn câu hỏi vì sao của cô tân sinh viên ngót nghét 24 như mình.
Ở lại phòng 416 chưa đầy 24h thì mình quyết định chuyển ra ở một mình, mất thêm 400 tệ một tháng, nếu ở chung cùng Huyền thì sẽ không mất tiền nhưng vì mình còn dạy học, mình dạy tất cả các buổi tối, thậm chí còn có ca dạy lúc 6h sáng nên sẽ rất ảnh hưởng đến bạn cùng phòng.
Cắn răng cắn lợi cố cày thêm tiền để ra ở một mình. Phòng 400 tệ mà nó xứng đáng lắm có đủ giường, ga, đệm, gối, bàn học, tủ quần áo, điều hòa, bình nóng lạnh, máy sưởi trong nhà tắm, tủ lạnh, lò vi sóng, bếp điện… Thiếu mỗi cái máy giặt là phải dùng chung 3 tệ/1 lần giặt thôi. Nên khi hết dịch, sang Trung Quốc học cũng đừng tha lôi nhiều đồ làm gì cho mệt nhé, bên này cái gì cũng có, lại còn rẻ.
Xem nhiều phim thanh xuân vườn trường quá, nên cũng tưởng là sẽ được nghe nhiều chuyện tình yêu tuổi học trò để kể cho các bạn nghe, nhưng mỗi buổi học mình được nghe kể về những chuyện ma ở các tòa ký túc. Có hôm nghe chuyện ở đúng tòa mình ở, tối về bật điện sáng choang, không dám ra bếp phơi đồ, rửa bát nữa. Nghĩ bụng gặp ma thì khấn a di đà phật tiếng Trung hay tiếng Việt nhỉ?
Vào một đêm trăng thanh mất ngủ vì tiếng mèo hoang quen thuộc chẳng còn khiến mình sợ hãi trong căn phòng nhỏ nhắn 30m2 của mình. Có tiếng lục sục to như tiếng người đang lục đồ, mình nghĩ thôi thật sự toang rồi, quả này một là bị hiếp hai là bị cướp giết, tiền học bổng thì vừa nhận, mà ký tục quản lý chặt mà nhỉ, hay nó vào từ cửa sổ? (Vì mình ở tầng 1) tiếng này không thể là ma được? Là tiếng người ngay trong căn phòng này!
Nghe dài vậy nhưng những suy nghĩ này chỉ thoáng qua trong vài giây, mình lấy hết can đảm dậy bật điện, đầu tiên là mở cửa phòng ra có gì còn chạy, kiểm tra gầm giường, tủ quần áo, nhà vệ sinh không thấy ai, hóa ra là một chú chuột, ôi chẳng ai ngờ ký túc xá sạch đẹp như chung cư này mà lại có chuột. May quá mình không sợ chuột, mình nhốt nó vào nhà vệ sinh rồi đi ngủ mai giải quyết sau.
Nói thế cho oai chứ mai mình gọi “a ý” quản lý ký túc vậy là “a ý” lại chăm mình như chăm con, gọi hẳn thợ đến bắt chuột. Trong mắt mình, các “a ý” trường mình tuyệt vời lắm, quan tâm, gần gũi và chu đáo vô cùng…
Trùng Khánh là một trong những thành phố tốn điện nhất Trung Quốc, ngày đầu tiên ngồi trên taxi về trường mình đã choáng ngợp vô cùng, hóa ra những thứ mình thấy trên ảnh lại thực sự lung linh đến vậy.
Hóa ra Jack Ma thực sự có thể cho chúng ta mua hàng và nhận hàng ngay hôm sau và ra đường chỉ với một chiếc điện thoại… Đất nước người ta phát triển lắm, các bạn qua đó ráng học hỏi, về xây dựng làng mình vững mạnh, thì cả đất nước cũng vững mạnh theo.
Chúc các bạn một đời an yên, cảm ơn vì đã đọc đến tận đây.
Có thể bạn muốn xem: Khám phá ngôi trường lâu đời bậc nhất Trung Quốc: Đại học Nam Kinh
Bài viết được chia sẻ bởi tác giả: Hường Phạm
Nhật Ký Du Học rất mong được đón nhận nhiều hơn các bài chia sẻ về trải nghiệm của tất cả các bạn trong quá trình du học. Nếu các bạn muốn đóng góp và đăng tải bài viết lên https://nhatkyduhoc.vn vui lòng gửi bài viết về địa chỉ email nhatkyduhoc.vn@gmail.com theo cú pháp sau:
Tiêu đề mail: Tên bài viết (Title)
Nội dung email: File bài viết dạng word và nội dung muốn nhắn gửi.
Nhật Ký Du Học xin chân thành cảm ơn!
- Admin: Trần Ngọc Duy
- Group: Hội Tự Apply học bổng Trung Quốc
- Group: Yêu Tiếng Trung
- Group: Hội Review Giáo viên tiếng Trung
- Cổng thông tin Du học Trung Quốc số #1 Việt Nam: https://riba.vn