Du học Trung QuốcChia sẻ kinh nghiệmNhật Ký Du Học

HỌC THẠC SĨ TẠI TRUNG QUỐC NHÀN CHỨ?

Đầu tiên, mình xin giới thiệu một chút, mình đang học Thạc sĩ ngành Báo chí và truyền thông tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc. Ngành mình học theo hướng Thạc sĩ ứng dụng, chú trọng vào Truyền thông, nhắm tới đối tượng là sinh viên quốc tế nên chúng mình hầu như là học với những bạn nước ngoài khác, có rất ít môn học với sinh viên Trung Quốc.

Hiện tại ở học kì đầu, chúng mình được dạy lại từ đầu kiến thức của ngành này, với những môn như Digital Marketing, Cinematic Sociology… Cá nhân mình thấy chương trình học trường mình khá thực tế, học về những thứ thiết thực, gần gũi với cuộc sống của giới trẻ hiện nay. Tài liệu học tập cũng đa dạng, được cập nhật liên tục, có rất nhiều tài liệu xuất bản năm 2020, 2021.

Vậy học thạc sĩ ngành Truyền thông ở Trung Quốc có nhàn không?

Ảnh minh họa

Câu trả lời là có, rất nhàn, nhưng thật tiếc là không nhàn với mình. Hiện tại, chương trình học của mình một tuần bốn buổi, mỗi buổi khoảng hai tiếng đồng hồ. Nghe thì có vẻ ít thật đấy, lúc đầu mình cũng nghĩ vậy, tưởng rằng sẽ học nhẹ nhàng như hồi đại học thôi nên đăng kí thêm 4-5 môn nữa không có trong chương trình đào tạo học cho vui, có bạn người Nga lớp mình còn đăng kí thêm tận 11 môn. Kết quả là sau vài buổi thì không chỉ mình mà còn vài bạn trong lớp mình cũng đã phải đi xin rút khỏi những lớp đăng kí thêm kia.

Vậy lí do là vì sao?

  • Đầu tiên, mình phải thay đổi phương pháp học. Bậc đại học, mình học ở Đại học Hà Nội, chương trình học của mình khi ấy khá nhàn và đơn giản. Khi kết thúc môn học, chúng mình sẽ thi hết môn chứ không phải viết luận. Chính vì vậy, mặc dù đã tham gia viết nghiên cứu khoa học và khoá luận tốt nghiệp nhưng khi học Thạc sĩ tại Trung Quốc, mình vẫn thấy kĩ năng viết bài viết khoa học của mình còn khá kém. Mặc dù hiện tại thời lượng lên lớp của mình khá ít, nhưng mình phải đọc bài báo khoa học, tài liệu tham khảo bất cứ khi nào mình rảnh. Mà tài liệu giảng viên gợi ý thì khá nhiều, viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung, quyển nào cũng 500-600 trang.
  • Thứ hai là chương trình học của chúng mình. Mình chọn chương trình học bằng tiếng Trung, tuy nhiên trong chương trình học của chúng mình xuất hiện cả những môn học được dạy và học 100% bằng tiếng Anh, làm bài tập và bài luận kết thúc môn cũng phải viết bằng tiếng Anh. Tuy nhiên tiếng Anh của giảng viên dạy mình không được tốt lắm, và mình cũng đã khá lâu (khoảng 4-5 năm rồi) không dùng tiếng Anh để học, đặc biệt là viết luận học thuật nên đây là một thử thách khá lớn đối với mình. Và công cụ giúp mình vượt qua những môn học bằng tiếng Anh này là Grammarly. Tại đây mình xin gửi một lời cảm ơn tới đội ngũ phát triển Grammarly, dù giá để nâng cấp Premium đắt quá tận 30$/tháng.
  • Thứ ba, chúng mình phải học Toán. Mình chọn học Đại học Hà Nội bậc đại học để trốn môn này, và sau 4 năm, mình lại phải nói lời xin chào người bạn này. Thế nên là học Truyền thông cũng phải học Toán nhé các bạn ơi, không thoát được đâu.
  • Cuối cùng, là mình cảm thấy áp lực từ những người bạn học cùng mình. Họ quá giỏi. Các bạn Trung Quốc thì khỏi phải nói rồi, giảng viên hỏi gì cũng biết, sách gì cũng có. Còn các bạn quốc tế thì cũng siêu đỉnh, tiếng Anh và tiếng Trung đều rất giỏi, có bạn là sinh viên của trường học thẳng lên thạc sĩ, có bạn bậc đại học du học ở Châu Âu, có những bạn có vài bằng đại học, có bạn đi làm trong ngành này vài năm rồi mới học thạc sĩ.

Một số bài học kinh nghiệm

Sau 3 tháng học tại Nam Đại, mình đã rút ra những kinh nghiệm nho nhỏ bằng chính trải nghiệm của mình. Hi vọng nó có thể phần nào giúp đỡ các bạn sắp và sẽ sang Trung Quốc học Thạc sĩ.

  • Hãy học ngoại ngữ thật tốt, thật sự tốt chứ đừng chỉ để thi chứng chỉ. Khi vào đây học, mình thấy mấy cái chứng chỉ như HSK, IELTS chẳng còn ý nghĩa gì. Nó chỉ là một yếu tố giúp bạn giành được tấm vé vào trường, còn khi vào trường rồi, bạn phải có kĩ năng tiếng thật sự tốt mới có thể theo học được. Dù chọn chương trình học bằng tiếng Trung thì tiếng Anh của bạn cũng phải thực sự tốt.
  • Đừng chỉ học tiếng Trung qua sách vở, hãy học tiếng Trung, đặc biệt là kĩ năng nghe thông qua đời sống thực tế. Bởi khi học ở những nơi ngoài Bắc Kinh như mình, bạn sẽ không được nghe giảng bằng giọng chuẩn đâu. Các thầy cô đến từ nhiều nơi khác nhau tại Trung Quốc, kiểu gì giọng của họ cũng cũng pha chút âm địa phương, nên đây là sẽ là một thử thách lớn cho những bạn chỉ học tiếng Trung qua sách vở đấy.
  • Ngoài ra, bạn phải có kĩ năng viết bài viết khoa học. Ở bậc đại học, bạn hãy cố viết nghiên cứu khoa học càng nhiều càng tốt nhé. Những kĩ năng ấy chính là thứ cứu sống bạn khi sang Trung Quốc học thạc sĩ đấy, bởi chẳng có ai dạy lại bạn những kĩ năng này đâu.
  • Cuối cùng, hãy chọn trường phù hợp với khả năng của bản thân, chứ đừng chọn trường vì xếp hạng cao hay đơn giản là vì trường đẹp. Lúc học rồi thì không còn đẹp nữa đâu mà toàn khóc một dòng sông thôi.

Chúc mọi người học tập tốt và kiên trì trên con đường đã lựa chọn!

Có thể bạn muốn xem: NHỮNG SỰ THẬT Ở TRUNG CHỈ CÓ DU HỌC SINH MỚI BIẾT

Bài viết được chia sẻ bởi: Long Hoang Le

Nhật Ký Du Học rất mong được đón nhận nhiều hơn các bài chia sẻ về trải nghiệm của tất cả các bạn trong quá trình du học. Nếu các bạn muốn đóng góp và đăng tải bài viết lên https://nhatkyduhoc.vn vui lòng gửi bài viết về địa chỉ email nhatkyduhoc.vn@gmail.com theo cú pháp sau:

Tiêu đề mail: Tên bài viết (Title)
Nội dung email: File bài viết dạng word và nội dung muốn nhắn gửi.

Nhật Ký Du Học xin chân thành cảm ơn!

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích đừng quên dành tặng Tác giả 1  like nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection by DMCA.com

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button