Có thể bạn chưa biếtDu học Trung QuốcNhật Ký Du Học

Những trải nghiệm thực tế tại Trung Quốc

Học tập

So với các bạn Trung Quốc thì lưu học sinh đã được giảm bớt khá nhiều môn học cùng các hoạt động ngoài lề .

Việc lên lớp thường là lên chung lớp với học sinh Trung Quốc, một số trường hệ lưu học sinh mạnh thì có thể họ sẽ sắp xếp lưu học sinh các lớp và chương trình riêng hoặc hệ tiếng anh thì thường sẽ là riêng biệt.

Trình độ tiếng là cái cốt lõi quyết định việc bạn lên lớp hiểu và nắm bắt kiến thức nhưng đánh giá chung là vẫn rất khó để có thể thâu tóm mọi nội dung.

Ảnh minh họa

Với các lớp chuyên ngành lại càng khó hơn, lí giải đơn giản là bạn học Đại học tại Việt Nam, dùng chính ngôn ngữ gốc mẹ đẻ cũng có nhiều môn, nhiều ngành bạn không thể hiểu rõ ràng thì khi dùng một thứ ngôn ngữ khác càng là trở ngại .

Nói lên lớp nhàm chán khi tiếng bạn vẫn lơ ngơ, nghe không hiểu, không có nhiều cơ hội có thể trao đổi trực tiếp cùng giáo viên, đa phần tình trạng này là khi bạn vào học chuyên ngành. Còn tiếng vững, nghe hiểu và tính bạn năng học và hỏi thì vẫn theo được thôi.

Có thể bạn muốn xem: Kinh nghiệm đi học tại Trung Quốc

Thi cử

Không biết các anh chị em nơi toạ độ khác thế nào chứ trường em và em cũng có hỏi vài người quen khác thì phải than là “Ôn và thi sấp mặt cún” nhé .

Giới thiệu chút là em học trường 北部湾大学(trước 钦州学院-Học Viện Khâm Châu) chuyên ngành Hán ngữ quốc tế. Chắc không mấy ai biết đến trường em vì thực chất nó không nằm top cao top vừa nào hết, ngay tại tỉnh Quảng Tây thì nó cũng không nổi bật luôn.

Theo em biết trước đây trường em và khá nhiều trường khác họ ưu ái cho lưu học sinh được thi đề mở hoặc đề riêng. Nhưng với một trường không nổi danh kể cả tên và thành tích như trường em mà hai năm trở lại đây nhà trường thắt chặt việc quản lí và đào tạo với lưu học sinh: học , thi như các bạn Trung Quốc, đề chung, thi chung, đánh giá điểm chung, thi không qua thi lại, thi lại không qua học lại, 4 năm không đủ học phần và điểm tích lũy trung bình thì không tốt nghiệp. Trường em yêu cầu 4 năm điều kiện tốt nghiệp là đủ học phần và điểm trung bình tích lũy từ 2 chấm trở lên nhé.

Vậy nên ai có ý định chuẩn bị sang học thì nên chuẩn bị cho mình khả năng tiếng tốt nhất có thể, như vậy sẽ đỡ vất vả hơn. Em học tiếng trước đó ở Việt Nam cũng gần 1 năm, thi hsk4 rồi sang đây hơn 1 năm mà em nói thật là lên chuyên ngành cũng méo xẹo mặt nhé. Nên là học sớm vẫn hơn , có thời gian nên học trước và học luôn đi.

Cuộc sống du học

Nơi ở

Đến 90% các trường Đại học bên này sinh viên đều ở kí túc xá của trường, và đánh giá chung là về cơ bản điều kiện kí túc xá dành cho lưu họ sinh đều tốt .

Trước đó và nhất là gần đây, em có đọc được một vài bài chia sẻ kí túc xá trên vài diễn đàn thì có những bạn khen, cũng có những bạn thì nhận xét luôn là “tệ “.

Cái khen thì hầu hết đều là những trường khá nổi tiếng và phần lớn là trường top, điều này cũng dễ hiểu thôi, nên em khá tò mò và đọc xem sự “tồi tệ” mà các bạn ấy nói là gì: nhà tù, quản lí giờ giấc, khu vệ sinh và tắm, nước nóng ….

Em nhìn thấy hình ảnh của chính kí túc trường em trong đó. Nhưng mỗi người một quan điểm và cách tiếp nhận nên các bạn cần tham khảo thì không nên vì vậy mà nghĩ trường đó không vớt vát được ưu điểm nào.

“Trước đây khi em chuyển từ một trường bên Giang Tô về Quảng Tây thì em cũng từng gào thét và chê bai điều kiện trường bên này sao lại tệ như vậy, vì từ nơi quá tiện nghi về nơi bình thường nên bị sốc tâm lí, và phải tới khi em nghe lũ bạn ở Việt Nam cho xem hình ảnh kí túc xá và phòng trọ của chúng nó em mới bớt than và dần dần thì cũng thấy quen với nơi sinh hoạt ấy. Trang trí và làm mới cái bàn, cái tủ cũng khiến tâm lí tốt hơn bội phần rồi.”

Một góc học tập (Ảnh: Lan Anh)

Quan trọng là đại đa số em và các bạn đều đang theo học hệ học bổng thì kí túc đa số là miễn phí, mà miễn phí thì chúng ta có sao đành chấp nhận vậy.

Sinh hoạt

Vấn về sinh hoạt phần đa mọi người quan tâm là mức chi tiêu thì cũng đã có nhiều anh chị bạn bè chia sẻ rồi nên em không đề cập nhiều, tưu chung là :

  • Ăn uống: Tuỳ từng tỉnh thành sẽ dao động từ 1000-2000 tệ /tháng. Nếu nhà trường có khu tự nấu thì tiết kiệm hơn 500-1000 cũng đã rất ổn rồi .
  • Mua sắm: Khoản này tuỳ điều kiện và mức chi tiêu của mỗi người , không thể tính cụ thể được.

Nếu bạn không quá kén ăn thì em nghĩ là bạn cũng dễ sống ở bên Trung, hoặc không thì lâu dần ăn nhiều cũng sẽ quen vị thôi.

Chế độ theo học

Phần này có thể em nói nó mang tính cá nhân nên nếu có sai lệch hoặc không khách quan thì anh chị có thể góp ý.

Hệ tự túc

So với nhiều quốc gia khác thì du học tự túc Trung Quốc có thể nói là chi phí khá tiết kiệm.

Nếu các bạn gia đình khá giả chút thì có thể lựa chọn những trường nổi bật tại các tỉnh, trường top một chút, được đánh giá cao thì chất lượng đào tạo đương nhiên không thấp. Tuy nhiên các bạn cũng cần xác định là khả năng bản thân theo được nhé không cũng vẫn là sấp mặt để qua môn.

Theo em biết thì chi phí tự túc dao động tầm 60-250tr/năm.

Hệ học bổng

Hẳn phần lớn mọi người đi theo chế độ học bổng và các bạn chuẩn bị sang học cũng quan tâm chính sách này.

Bên cạnh những loại học bổng quá quen thuộc như học bổng Chính phủ, học bổng Khổng Tử, học bổng Tỉnh, học bổng trường, học bổng hệ ngoại giao… thì mấy năm gần đây có thêm khá nhiều học bổng mới như học bổng Trần Gia Canh, học bổng Hoa Nhài, học bổng một vành đai một con đường, học bổng doanh nghiệp…..

Ảnh minh họa

Đi theo hệ học bổng đương nhiên sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, miễn học phí, miễn kí túc xá, nhiều hệ học bổng miễn thêm bảo hiểm, tài liệu học tập và hàng tháng hỗ trợ thêm sinh hoạt.

Chế độ như vậy đồng nghĩa với việc yêu cầu cũng không thấp.

Mà nói ngay từ “học bổng” thì cũng hiểu ngay là ít nhất về bảng điểm của bạn phải khá-giỏi trở lên, chưa kể các thành tích khác về trình độ ngôn ngữ, khả năng nổi bật… mới có khả quan ứng tuyển học bổng .

Còn nếu thành tích yếu – kém thì các bạn nên thực tế một là đi tự túc hoặc xin miễn giảm một phần chi phí là tốt, nếu có may mắn được học bổng thì bạn cũng xác định bạn phải cố gắng rất nhiều. Thi Đại học Việt Nam còn trượt hàng loạt thì học bổng ngoài năng lực xứng đáng cũng cần có may mắn nữa nên các bạn phải biết nắm bắt cơ hội, bớt kén chọn xa vời.

Hiện nay Trung Quốc khá khắt khe khi cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài và điều này em nghĩ quốc gia nào cũng vậy. Và khi bạn đã được hưởng học bổng mà bạn không theo được, không duy trì được thành tích yêu cầu thì bạn sẽ đối mặt với:

  • Cắt học bổng hoặc giảm bậc học bổng (phần đa với học bổng trường)
  • Bạn thi lại và học lại thì bạn phải tự đóng phí.
Ảnh minh họa

Loại học bổng nào thì cũng sẽ có điều kiện để duy trì, em nói vậy là bởi vì em biết có anh chị học bổng CSC đã bị cắt vì thành tích học tập không đáp ứng chứ không phải vi phạm pháp luật hay lí do ngoài .

Minh chứng thêm là trường em và cá nhân em đây ạ. Xấu đáng nhẽ che đi nhưng thôi coi như lời cảnh tỉnh nhẹ cho các bạn sắp đi học: em là học bổng trường nhé, miễn học phí, kí túc và có thêm trợ cấp, nhưng mỗi năm lại xét lại, xếp loại theo độ dốc, ngoài vùng an toàn thì mời em xuống bậc học bổng loại A—> B nhé, và nếu đánh nhau, thái độ không hợp tác thì loại C-D, không xét học bổng luôn cũng có nhé.

Thật ra thì việc này chắc chỉ có trường em và một số trường nhỏ lẻ với hệ học bổng trường thôi.

Một vấn đề nữa mà em có đọc được nhiều bạn chia sẻ là việc các trường phát học bổng muộn. Không phải 1-2 mà khá nhiều trường bị phản ánh, và trường em mặt này cũng góp mặt luôn, 2-3 phát một lần , rồi dồn 1 kì phát 1 lần kể cả học bổng tỉnh cũng đợi nhé.

Thôi thì tâm lí là nên phòng trước nơi cứu trợ khẩn cấp nếu chẳng may trường bạn cũng cao su dây thun dây nịt vậy nhé, khổ đúng là tiền được phát nên cũng ngậm ngùi chờ đợi.

Lí do khiến em ngồi cả tiếng để đánh ra bài này thực chất là muốn nhắn nhủ những ai đang có ý định hoặc sắp sang Trung học theo hệ nào, chế độ ra sao thì cũng nên chuẩn bị tâm lí sẽ có những điều các bạn không lường trước được.

Bạn tự apply hay bạn nhờ ai nhờ trung tâm nào thì họ cũng không thể nắm bắt mọi chi tiết cho bạn đâu . Nhiều em, nhiều bạn cũng nên tỉnh táo và thực tế hơn khi quyết định sang học nhé, đừng mải mê xem các video trên 抖音, Tiktok,… rồi ôm mộng.

Và đặc biệt là bớt bớt nhìn những hình ảnh, video các anh chị em đi trước học bên này chia sẻ rồi thích mà cố sang cho được. Hầu hết đẹp – vui người ta mới khoe chứ có những ngày học ôn sấp mặt, ăn mì húp cháo để sống là vẫn có nhé .

Bóc phốt vài điểm nổi bật thường được lưu học sinh kêu than nhiều nhất thì cũng có khá nhiều điểm cộng mà khi sang đây học tập các bạn sẽ được trải nghiệm :

  • Được giao lưu kết bạn bốn phương là điều chắc chắn.
  • Nếu bạn là người năng động, yêu thích các hoạt động tập thể thì yên tâm là sẽ có vô cùng nhiều cơ hội để bạn thể hiện bản thân, lễ hội, hoạt động, câu lạc bộ liên tục .
  • Dù thích hay không đam mê thì bạn cũng sẽ được trải nghiệm những môn nghệ thuật thủ công truyền thống và nổi tiếng bên Trung, đa phần chuyên ngành Hán ngữ sẽ được học nhiều. Ví dụ trường em là học múa, học pha trà, học thổi sáo, học cắt giấy, đan dây chữ …..
  • Được sống và hoà nhịp vào cái nhịp thở Trung Quốc, hiểu nó hơn Việt Nam nhiều mặt một cách tâm phục khẩu phục.

Những chia sẻ là mang tính cá nhân, có sự tham khảo thêm một số anh chị em bạn bè quen biết hi vọng giúp các bánh sắp có dự định sang học hiểu được phần nào việc học tập bên này.

Chúc các bạn sẽ thành công với những dự định sắp tới!

Có thể bạn muốn xem: Chuyện chúng mình – giấc mơ Thượng Hải

Bài viết được chia sẻ bởi tác giả: Lan Anh

Nhật Ký Du Học rất mong được đón nhận nhiều hơn các bài chia sẻ về trải nghiệm của tất cả các bạn trong quá trình du học. Nếu các bạn muốn đóng góp và đăng tải bài viết lên https://nhatkyduhoc.vn vui lòng gửi bài viết về địa chỉ email nhatkyduhoc.vn@gmail.com theo cú pháp sau:

Tiêu đề mail: Tên bài viết (Title)
Nội dung email: File bài viết dạng word và nội dung muốn nhắn gửi.

Nhật Ký Du Học xin chân thành cảm ơn!

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích đừng quên dành tặng Tác giả 1  like nhé ^^!

Bài viết đã được bảo vệ bản quyền bởi:

Content Protection by DMCA.com

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button